Monday, March 18, 2019

Tagged Under: ,

Review sách Khi ta mơ quá lâu - Goh Poh Seng


"Khi ta mơ quá lâu", Goh Poh Seng, Nguyễn Dương Quỳnh dịch, NXB Lao Động, Nhã Nam, 2017

Đây là tiểu thuyết đầu tay của bác sĩ Goh Poh Seng, được in năm 1972, đồng thời cũng được xem là tiểu thuyết đầu tiên của văn chương Singapore.

Cuốn tiểu thuyết nhẹ nhàng đưa người đọc hồi tưởng lại những năm 1965 để khám phá đất nước Singapore, vào thời điểm mà Đảo quốc sư tử chính thức trở thành một nước cộng hòa độc lập sau khi tách khỏi Malaysia.

Thông qua cuộc đời của nhân vật chính Kwang Meng, độc giả đã phần nào cảm nhận rõ nét những khó khăn mà đất nước và người dân Singapore đang phải đối diện. Vào thời điểm đó, tình trạng thất nghiệp và khủng hoảng nhà ở diễn ra cực kỳ nghiêm trọng, dù cho chính phủ nước này đã thực hiện các dự án phát triển nhà ở thông qua các cao ốc chung cư HDB (Housing & Development Board) từ những năm 60.

Kwang Meng sống một cuộc đời bình thường, anh nối nghiệp cha làm một chân thư ký bình thường, ở cùng gia đình trong một căn hộ bình thường. Mỗi ngày, anh đều cảm thấy như mình thuộc hai thế giới: thế giới ban ngày giam mình trong công việc văn phòng chán ngắt với điểm nhấn duy nhất là các bữa ăn trưa, và thế giới ban đêm khi anh thoải mái bia bọt và thuốc lá với bạn bè mình. Nhưng anh vẫn mơ. Xuyên suốt câu chuyện đều là những ước mơ, khác một điều, là lúc tỉnh lúc mê. Mà thật ra, cũng chưa chắc đâu là đời, đâu là mộng. Có lúc anh mơ việc mình làm ngư dân trong chiếc thuyền độc mộc và những bãi cát mềm mại, có lúc anh lại mơ làm thủy thủ trên giường tầng nằm lắng nghe tiếng biển và ghé thăm các bến tàu trên thế giới, cũng có lúc lại là một công nhân xưởng đóng tàu với đôi tay lực lưỡng đầy dầu mỡ cùng chai bia Guinness vào cuối buổi làm việc.

Man Standing on White Concrete Surface

Một chàng trai bình thường với những giấc mơ lặng lẽ chẳng chia sẻ được với ai như thế. Sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra, nếu như không có những diễn biến quanh những người mà anh quen. Tác giả khắc họa nên những nhân vật xung quanh rất hay. Họ đều có những khát vọng, những ước mơ, những trăn trở, hay những bế tắc không thể thoát ra nổi.

Đó là những nghẹn ngào không thể nói nên lời. Như cha của Meng, một nhân viên thư ký cặm cụi suốt 25 năm tại một công ty, chỉ để nhận được chiếc đồng hồ và tấm ảnh treo ở góc bếp. Sáng nào cũng cùng con bắt chuyến xe SCT đi làm, ngồi trên cả chuyến với con, nhưng chẳng lúc nào hai cha con trò chuyện. Ông luôn đau đáu tại vì ông nghèo ông yếu mà thằng con trai của ông không được ăn học tử tế, để đến nỗi nó không kiếm được việc làm ra hồn. Cha mẹ nào mà chẳng dồn hết hi vọng để mong có được cảnh “con hơn cha là nhà có phúc”, thế nhưng đằng này con cũng làm y như cha, chẳng có tí tương lai nào.

Hay là những ước mơ và quyết định để hi vọng một tương lai tốt hơn. Như cậu bạn Hock Lai. Từ thuở bé đã có ước mơ chiến đấu cho tự do. Sau khi tốt nghiệp thì trở thành người bán hợp đồng bảo hiểm. Hock Lai quen với con gái của một ông lớn. Sau đó thì những khung cảnh biệt thự, khách khứa, các tay tài xế và buổi tiệc đính hôn như trong bộ phim “Con nhà siêu giàu châu Á” lần lượt hiện ra. Đây là cuộc hôn nhân mà hai nhân vật chính dường như “yêu” hết sức thờ ơ, và cũng sẽ chấp nhận tương lai mà ai cũng biết vì một điều gì đó cá nhân. Điều này thể hiện rõ nhất qua việc cậu chàng không được thực hiện ước muốn được đi trăng mật ở châu Âu.

Rồi cả những niềm mong mỏi đi đến những chân trời mới. Với Portia (tên thật là Nadarajah), một trai tân người Ấn Độ, rất nhiều họ hàng, ước mơ du học Anh Quốc trên một chuyến tàu viễn dương. Với cả cô nàng Anne, dễ thương, khiêm tốn, cùng ước mơ chạy trốn đến Nam Mỹ. “Nếu chạy trốn, mà chạy đến một nơi gần mình, một nơi cũng giống y nơi mình vừa thoát khỏi thì có ích gì?”.

Có những bế tắc, biết là vậy mà không tài nào tìm được lối ra. Ông chú Chye, đam mê đua ngựa, mất hết tất cả, từ lâu, mất hết sự tôn trọng từ gia đình, con cái, họ hàng, bè bạn. Ông cũng biết chứ, cũng trằn trọc nhiều đêm chứ. Nhưng cũng chỉ để thốt lên một lời “Đừng thành ra như chú. Đừng sai lầm như chú nghe.”, rồi lặng lẽ, cứ thế biến mất khỏi trang sách.

Có những người đã chấp nhận an bài số phận. Aziz, người bạn Malay của Meng, đã chấp nhận một chân tài xế riêng để nuôi sống gia đình. Ở đất nước đầy người Hoa, nổi tiếng gia đình hệ, họ sẽ giao việc cho bà con, rồi đến gia đình thân quen, rồi đến những người cùng thổ ngữ. Kiếm việc khó lắm. Đau lắm. Mà đau hơn nữa khi chứng kiến những người bạn thuở thiếu thời đi sang những hướng khác, thật nhanh, và thật xa. Hay như cô nàng quán bar Lucy nóng bỏng, nhiều “kinh nghiệm”, hiểu sự đời, nên thành ra thương nhau, mà chẳng thể đến được với nhau. Rồi lại quay lại phận bảy nổi ba chìm, không làm vợ bé, thì làm bồ nhí, không nữa thì “kinh doanh vốn tự có” như vậy mà thôi. Xót lắm.

Nhưng có những người không chịu chấp nhận, hay nói đúng hơn, họ chơi tốt với những quân bài được chia. Đó là anh nhà giáo hàng xóm Boon Teik và cô vợ. Họ đọc sách cùng nhau, họ trang trí căn hộ bình thường của họ theo gu riêng của họ, với số tiền ít ỏi mà họ có. Họ có nhau. Họ hạnh phúc. Thế là đủ!

Rồi, chuyện gì xảy ra với Kwang Meng, cùng những ước mơ của anh ấy? Mơ làm thủy thủ ư? Meng gặp anh chàng thủy thủ người Anh tên Frank trong một lần lang thang, để rồi nghe được những góc khuất và sự chán chường với công việc từ chính người đang trực tiếp làm điều anh mơ. Rồi cho đến lúc, nhà Meng gặp chuyện, cha anh bị đột quỵ, không thể tiếp tục đi làm, “được” rút quỹ trợ cấp lương hưu cho người già sớm. Để rồi, người mẹ bật khóc mà nói “Bây giờ con phải chăm lo cho gia đình rồi đó, Meng”. Để rồi, người cha khắc khổ ốm yếu trong một lần hiếm hoi nói chuyện với con trai, lặng lẽ rút tiền từ túi rồi nhét tờ 10 đô vào tay Meng cùng với cái nắm tay thật chặt mà nói “Lấy tiền này ra ngoài chơi tối nay đi. Lấy đi cho cha vui.” Mãi cho đến lúc ấy, anh mới hiểu ra được lý do vì sao cha mình nắm giữ khư khư cái ghế thư ký ấy suốt cả đời. Sợ mất việc lắm chứ. Nghẹn.

Cứ mỗi lần tiếp xúc, và trải qua một cơ số chuyện với từng nhân vật này, Kwang Meng lại có một chút gì đó thay đổi trong suy nghĩ. Trưởng thành hơn ư? Không hẳn? Chín chắn hơn ư? Chưa hẳn. Nhưng, anh bắt đầu, nghĩ gần hơn, mơ thật hơn.

Thế đấy. Làm công việc tầm thường thì chẳng ai thích, nhưng thất nghiệp thì còn khổ hơn nhiều. Bạn bè lúc nào cũng sẽ người đi trước mình rất xa, dường như họ sẽ thành đạt và chẳng bao giờ tình bạn được như lúc trước. Gia đình sẽ có lúc cần đến mình, trách nhiệm. Nên nếu còn mơ được, còn trải nghiệm được, thì tranh thủ đi, vì bạn đang hạnh phúc hơn khối người đấy.

Person Standing on Dock With Water

Quyển này dễ đọc. Nhịp chậm, có cao trào. Thích hợp cho người trẻ, đọc để mà ngẫm. Tuy truyện kết thúc mở, nhưng ai cũng biết Singapore hiện nay phát triển đến đâu rồi, nên cũng phần nào có thể gọi là “đoán được kết truyện”. Ngôn từ giản dị. Bên cạnh những địa danh quen thuộc như Esplanade hay tòa nhà HSBC, có những đoạn tác giả tả thực nhiều góc phố, tuyến đường của Singapore xưa mà đọc nghe không hình dung ra nổi.

Thích hợp đọc trong những lúc cần có cái gì đó để suy nghĩ, hoặc những lúc không biết phải làm gì tiếp theo trong cuộc đời (đúng rồi, đọc xong bế tắc luôn jk – thiệt ra cũng có vài gợi ý nhỏ, nhưng tớ nghĩ người đọc từ khám phá và cảm nhận thì hay hơn).

Điểm: 8/10

0 comments:

Post a Comment